Thời nào cũng thế, việc tu thân, hay phát triển bản thân luôn là việc hệ trọng nhất và cơ bản nhất của mỗi con người trước khi có thể làm tốt những việc khác. Triết gia đã thốt lên: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” hay “Mỗi ngày là một mặt trời mới.” Không cần phải là một nhà triết học thì chúng ta mới nhận thấy rằng cuộc sống là không ngừng thay đổi và vận động, dòng chảy ấy cứ thế trôi qua mà không cần quan tâm xem chúng ta có muốn hay không. Bởi vậy con người cũng cần phải phát triển không ngừng để không bị thoái bộ, để trưởng thành hơn, để có thể có những tư tưởng và hành động đúng đắn hơn nhằm làm được những việc có giá trị và ý nghĩa đối với mình, với người. Thật không cần phải nói nhiều, chúng ta ai cũng biết việc phát triển bản thân là quan trọng nhường nào, ai cũng biết đó là việc phải làm cả đời nếu không muốn cuộc đời mình trôi qua một cách lãng phí.
Một cách tự nhiên, câu hỏi đặt ra tiếp theo của chúng ta là: vậy “phát triển bản thân” là phát triển cái gì? Bản thân là chỉ những yếu tố nào? Tôi xin được chia sẻ với bạn những hiểu biết của cá nhân mình về cách phân loại những yếu tố cấu thành “bản thân”, để qua đó các bạn có thể tham khảo thêm một cái bản đồ cho việc tu thân của riêng mình. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng đây là cách hiểu và diễn giải của cá nhân tôi, nó còn nhiều hạn chế, nó không hẳn đã đúng với chân lí hay hợp với bạn, chỉ để chia sẻ và mong nó có ích cho một ai đó thôi, tôi không nhắc lại điều này trong từng quan điểm nữa.
Về các yếu tố cấu thành nên một con người, cái “bản thân” mà chúng ta cần phát triển. Có 4 yếu tố là: thân thể, tâm trí, tâm hồn, và tinh thần (tâm linh).
Thân thể
Không có gì cần nói nhiều về yếu tố đầu tiên này, thân thể là đại diện cho yếu tố về sức khỏe sinh lý, thể xác của ta. “Một trí tuệ sáng suốt sinh ra từ thân thể khỏe mạnh” hay “Khi bạn có sức khỏe thì bạn có hàng ngàn mơ ước, nhưng khi không có sức khỏe bạn chỉ có một mơ ước duy nhất là có sức khỏe” hay “tài sản lớn nhất đời người là sức khỏe và trí tuệ”. Vậy nên, nếu muốn mình có năng lượng sung mãn mà phát triển những yếu tố tiếp theo cần chú trọng rèn luyện, hay giữ gìn một thân thể mạnh khỏe.
Tâm trí
Chức năng của tâm trí hiểu nôm na là tư tưởng, suy nghĩ, tư duy, nhận thức. Tâm trí còn có ý chỉ khả năng tư duy, suy nghĩ, đánh giá, phân tích, tổng hợp, so sánh, hệ thống hóa… nói chung là các hoạt động tư tưởng. Cũng như các cơ bắp vậy, nếu lâu không sử dụng đến thì các cơ ấy sẽ yếu, thậm chí teo đi, hay bệnh hoạn yếu đuối, thì tâm trí cũng vậy. Nếu ta không chịu tư duy, suy nghĩ một cách thường xuyên, đúng đắn, sâu sắc, độc lập mà chỉ quen tư tưởng hời hợt, adua theo trào lưu, không chịu tích cực quan sát, theo dõi, tìm tòi đào sâu các hiện tượng và bản chất của chúng mà chỉ lười biếng thừa nhận nó từ người khác, vậy thì khả năng tư duy của ta sẽ mai một dần.
Tâm hồn
Ý nói về mặt cảm xúc, khả năng rung cảm trước cái đẹp, cái thiện, cái vĩ đại, hùng vĩ, huyền bí… Khả năng cảm thụ nghệ thuật, hay khả năng đồng cảm và nhạy cảm với người khác, khả năng cảm nhận bằng trái tim, hay những khả năng tương tự như thế. Chúng ta cũng có thể thấy, một người mà ít có khả năng cảm xúc, hay quá lí trí, logic mà không chú trọng cảm xúc hay cố tình bỏ qua cảm xúc thì thật giống con robot, điều đó thật nguy hại. Họ quá cứng nhắc, logic, máy móc, và thực dụng, tâm hồn họ cằn cỗi nên đánh mất khả năng cảm thụ những điều kì diệu, đẹp đẽ trong cuộc sống mà vốn là một phần quan trọng tạo nên hạnh phúc của con người ta. Hơn thế nữa, con người vốn là một tổng thể hài hòa và cân bằng cả lí và tình, cả lí trí và cảm xúc để bổ trợ cho nhau, để giúp nhau hoàn thiện. Khoa học cũng chứng minh bộ não ta chia làm 2 bán cầu với chức năng và khả năng khác nhau, một thiên về cảm xúc một thiên về logic. Vậy nếu chỉ thiên về một cái, mà bỏ qua cái kia thì không thể phát triển cho hài hòa và cân bằng được. Con người lúc đó khác gì người cụt một chân, chỉ nhảy lò cò, sao có thể đi xa và nhanh như người lành lặn được. Tâm hồn khá gần với yếu tố thứ tư là tinh thần, tâm linh.
Tinh thần (tâm linh)
Trước hết cần nhận rõ rằng tinh thần, tâm linh không phải là tôn giáo.
Tâm linh thì ai cũng có, ai cũng hướng đến một cách tự nhiên, ngay từ lúc bắt đầu sinh ra, hướng tới những điều bên trong con người ta, thôi thúc ta tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời ta, tìm kiếm chân hạnh phúc và sự bình an nội tâm của ta. Đó là những lúc bạn được đứng trước biển vào sáng sớm, hay được ngắm nhìn cái đẹp của những bông hoa dại trên bãi cỏ, hay ngẩng đầu say sưa với bầu trời đêm trong trẻo đầy sao, hay hếch mặt đón cơn gió đêm mát lành. Đó là khi lòng trắc ẩn của bạn được đánh thức, khi tình yêu của bạn rộng hơn bản thân bạn và những người thân thiết gần gũi bạn, khi… những điều tương tự như thế xảy ra và nếu bạn lắng nghe bạn sẽ biết.
Tôn giáo thì khác, tôn giáo theo tôi là con đường mà các vị giác ngộ đã tìm ra, đã trải nghiệm qua. Hay các phương pháp tu tập mà bậc thầy này đã sử dụng thành công và hướng dẫn cho những người khác rồi sau này khi người đó chết đi, người ta tập hợp lại và lập lên các giáo phái tôn giáo, rồi tiếp tục tu tập theo và phát triển các phương pháp ấy nhằm giúp những người khác thành tựu tâm linh.
Tâm linh, tinh thần là một yếu tố không thể thiếu của một cá nhân, đừng tưởng khi anh là người vô thần, không tin vào tôn giáo, thánh thần hay thậm chí báng bổ nó là anh có thể phủ nhận yếu tố ấy trong chính mình. Theo tôi, nó còn là nguồn cội, gốc rễ của một con người lành mạnh, bình an, trưởng thành và nó là nguồn gốc cho cái cây hạnh phúc được mọc lên xanh tốt.
Khi nói về các yếu tố, tôi tách bạch chúng ra làm 4 phần, nhưng không nên hiểu 4 yếu tố ấy là tách biệt với nhau mà không có liên quan. Vạn vật trong vũ trụ bao la này đều có mối liên kết với nhau theo một cách nào đó, kể gì đây lại là các yếu tố trong một con người nhỏ bé. Bởi vậy chúng ta nên nhìn nhận các yếu tố ấy và phát triển chúng như một toàn thể, để cái này bổ sung cho cái kia nhằm giúp con người ta được hoàn thiện cho hài hòa, cân bằng.
No comments:
Post a Comment