Tất cả chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển? Bạn dám chắc chứ? Nếu không thì sao, với tôi thì nó là quay cuồng, với ai đó thì nó là phát triển, nhưng tựu chung tôi thấy cách xã hội đang vận động chả có gì hay ho cả! Nó quá bề mặt, nó quá kinh tế, nó quá thị trường, nó quá nhanh, nó quá rối, và vì thế nên nó không chạm được tới chiều sâu của những nhu cầu con người, thậm chí là những điều đơn giản nhất. Mà chiều sâu thì lại phải có thời gian để vun đắp, để trải nghiệm, để thấu hiểu, mà sống nhanh như thế này thì sao mà trải nghiệm được?
Những gì được dạy ở trường, càng ngày càng vô bổ và đi ngược với ý nghĩa của từ “giáo dục”. Tôi đã nghe ở đâu đó câu này: Lẽ ra nhà trường giúp cho học sinh – sinh viên sau này tiếp cận với cuộc sống dễ hơn, thì đằng này, sau khi ra trường các em lại phải như quay ngược đầu lại để hòa nhập với cuộc sống.
Và… giáo dục cũng không có nghĩa là phải nằm trong nhà trường. Giáo dục ở mọi nơi, mọi phim ảnh truyền thông, từ bà bán vé số, một bạn bị chất độc màu da cam, trẻ mồ côi, cho tới tầng lớp thượng lưu, sang những cành cây ngọn cỏ, con sông, bên nước, làn gió… Chúng ta được học ở mọi nơi, nhưng lại đỗ lỗi hoàn toàn do nhà trường, nhà trường chỉ là một phần nhỏ, một phần ba thôi… Chúng ta đang đỗ lỗi, vì chúng ta không biết mình là ai cả, chúng ta nghe theo tất cả những gì người khác nói, chúng ta không hiểu bản thân mình chút nào. Việc đơn giản chỉ có vậy!
Có một điều ngăn cản chúng ta hiểu chính bản thân mình. Đó là chúng ta được dạy phải trở nên bao dung, vị tha, rộng lượng, giản dị, yêu thương, hòa đồng, hi sinh cho người khác, nhường cho người khác… phải trở nên thế này, thế kia, thế nọ mới tốt. Cách này sai, cách này nhỏ nhen và ích kỷ, cách kia đẹp – rộng lượng và đáng khen. Xin lỗi, chúng ta chỉ là con rối, rỗng tuếch! Bạn có hiểu ý tôi đang nói gì không?
Làm sao bạn có thể bao dung, vị tha, rộng lượng, giản dị, yêu thương, hòa đồng... với người khác, với cuộc sống khi bạn không thực sự có nó? Bạn có thể nói bạn có nó, ngay lúc này! Chắc không chứ? Những cách sống đó chỉ thực sự đúng khi trong chính bản thân chúng ta không cảm thấy ức chế, không mâu thuẫn khi phải làm như vậy. Làm sao bạn rộng lượng được khi nhỏ bạn gái toàn suốt ngày theo trai, làm sao bạn vị tha được nếu như tuổi thơ ngày nào cũng bị bố say xỉn nhậu nhẹt đánh bầm dập, chảy máu mồm máu miệng, làm sao bạn sống giản dị được khi bạn có tiền nhưng lại bị bảo là “không nên – tốt hơn là”, làm sao bạn yêu thương một người được khi người ta coi thường bạn và bĩu môi trước những gì bạn làm, làm sao bạn hòa đồng được khi một tập thể tỏ ra không ưa bạn?
Đó là tất cả những gì giáo dục đang làm, đốt cháy giai đoạn, quá hấp tấp, quá bề mặt và thiếu tính cảm thông cho từng cá nhân, quá xa rời thực tế!
Tôi rất ghét những người ích kỷ, tôi ghét những người ăn mặc se xua, tôi không thích những người hay chứng tỏ, tôi chán ngấy với những người vô tâm… Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm với cái đống lý thuyết mà nhà trường dạy. Đó là kết quả đó! Xã hội đang phân rẽ theo cách đó, rất tự nhiên!
Lẽ ra nhà trường nên dạy cho mỗi con người tính ích kỷ thì họ lại dạy cho con người trở nên thần thánh! Khoan hãy bĩu môi và chống chế! Để tôi nói lại cho bạn nghe, nhà trường nên dạy con người ta ích kỷ, ích kỷ một cách đơn giản nhất. Bạn không lầm đâu, bạn đang đọc đúng đó, “ích kỷ”!
Như tiêu đề, ích kỷ là một từ rất đẹp!
Ích kỷ đã bị phê phán rất nhiều, và người ta gắn cho nó cái nghĩa tiêu cực nhất có thể! Nhưng hãy xem này! Ích kỷ, chỉ đơn giản là trở thành chính bạn. Bạn như thế nào, thì nó như thế, bạn không chê tính cách này, không tự hào với tính cách kia. Bạn đơn giản sống như bản thân mình được sinh ra để tồn tại theo cách đó.
Và trong khi bạn ích kỷ, bạn cảm thấy cả thế giới cũng đang như thế, mỗi người đều ích kỷ, mỗi người bên trong bạn – cũng đang phải đối diện với những điều y chang bạn đang làm, bạn biểu hiện cho toàn bộ thế giới. Bạn ích kỷ – cả xã hội đang ích kỷ! Ngẫm mà xem! Khi bạn ích kỷ, bạn không đòi hỏi nữa, bạn không làm những gì mình không thích nữa, và bạn không trách ai cả (còn nếu có, thì bạn quá hèn nhát và không xứng đáng với hai từ ích kỷ!). Và bạn chấp nhận mọi người ích kỷ như những gì họ lẽ ra đã nên là từ lâu, bạn thấy nó rất tự nhiên, phải – hoàn toàn tự nhiên. Bạn bắt đầu trở nên cảm thông và vị tha! Bạn không ép ai cái gì cả, kể cả người ta ích kỷ, xấu xa, chảnh chọe, vô tâm, bạn cũng không thấy có gì lạ. Và nếu ai đó cũng hiểu được điều này, họ chấp nhận tính ích kỷ của bạn, cũng như của họ!
Ích kỷ! Khi người ta ích kỷ? Khi người ta trở về chính mình! Khi cả thế giới gồm các cá nhân trở về chính mình! Khi các cá nhân không bị gò ép, không xung đột, họ được thỏa mãn! Cả thế giới được thỏa mãn! Cả thế giới không gò ép, không xung đột! Cả thế giới không ức chế nhau! Khi cả thế giới không ức chế nhau, khi cả gia đình không ức chế nhau, khi vợ chồng không ức chế nhau, khi bạn bè không ức chế nhau!
Mọi đạo sư, thánh nhân, tôn giáo đều nói chung một điểm: Tình yêu là chân lý!
Còn với tôi: Chân lý cuối cùng là không ức chế!
Không ức chế đã là tốt lắm rồi, trong cái xã hội này. Và “không ức chế” không có nghĩa là không có tình yêu thương, nó bao gồm cả tình yêu thương nếu được – nếu có thể! Có được điểm 8 không có nghĩa là không đủ khả năng có điểm 10, nhưng điểm 10 thì rất khó để có, nó quá lý tưởng, nó có thể trở nên không tưởng!
Hãy ích kỷ đi! Và trong khi ích kỷ, bạn không còn ức chế cuộc sống, bạn được tròn đầy, bạn tự thỏa mãn mình và bạn cũng chẳng muốn đòi hỏi người khác phải làm gì cho bạn cả! Bạn chấp nhận ích kỷ, có thể nói là “cái tôi” một cách rất bình thường, rất tự nhiên!
Xã hội đang nghĩ, kỷ luật mới là trật tự, hệ thống mới là trật tự, còn tự do thì không trật tự, hãy thôi ảo tưởng và nông cạn như thế. Khi người ta tự do, khi người ta được tự do trở về chính mình, nghĩa là họ được trở về với “tính tự nhiên”, “tính vũ trụ”, và bất cứ thứ gì đi ngược với tự nhiên hay quy luật vũ trụ đều sẽ bị nghiền nát theo cách nào đó. Sẽ ra sao nếu bạn đi ngược vòng với Trái Đất trên cùng một quỹ đạo? Bạn sẽ bị nghiền nát!
Chúng ta? Hoặc có thể chỉ mình tôi đơn giản là muốn được trở về thành chính mình! Không thanh minh, không bênh vực, không chê bai!
Tôi tự nhiên, không chống lại tự nhiên! Tôi ích kỷ!
Việc thích đua xe, thích mở nhạc to, thích đấm bốc… chả có gì sai trái, đơn giản là trở thành chính mình. Nhưng sai, là sai ở phương thức thể hiện. Đua xe ngoài đường tông người khác là sai, nó đúng khi đua trong trường đua, mở nhạc to làm hàng xóm nhức óc là sai, mở nhạc to ở phòng tập thể thao, ở nơi vắng người là trở về chính mình. Ích kỷ không có nghĩa là gây tổn hại cho những người xung quanh và cho chính mình, chúng ta nên hiểu rõ vẻ đẹp của tiếng Việt một chút. Phương thức thể hiện rất hay bị nhầm lẫn ở đây, bạn hãy khách quan và suy ngẫm thật kỹ – chúng ta không nên hiểu sai thêm điều gì nữa, chúng ta được phép không hiểu, nhưng không được phép hiểu sai, vì đó là đại họa.
No comments:
Post a Comment